10 quyền cơ bản của trẻ em – Nâng cao ý thức trong việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em
Trẻ em luôn cần rất nhiều sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ của mọi người. Vậy 10 quyền cơ bản của trẻ em là những quyền gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
Quyền trẻ em là gì?
Trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước. Bởi vậy, việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ phát triển toàn diện là những ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. Vậy quyền trẻ em là gì?
Quyền trẻ em là quyền dành riêng cho trẻ em để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Ngoài ra, quyền trẻ em đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ từ người lớn mà còn là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển.
10 quyền cơ bản của trẻ em
Hiện nay, tình trạng bóc lột sức lao động, hiếp dâm, bạo hành gia đình, bạo lực học đường,… đối với trẻ em đang ngày càng tăng cao và trở thành vấn nạn của Việt Nam. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây ra những hậu quả xấu đối với tâm lý và sự phát triển của trẻ cũng như ảnh hưởng lớn đối với xã hội. Vì vậy, các quyền của của trẻ em cần được chú trọng nhiều hơn.
- Quyền sống
Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các Điều kiện sống và phát triển.
- Quyền được khai sinh và có quốc tịch
Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.
- Quyền được chăm sóc sức khỏe
Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.
- Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng
Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện.
- Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu
Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.
Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.
- Quyền vui chơi, giải trí
Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.
- Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc
Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc Điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc; được thừa nhận các quan hệ gia đình.
Trẻ em có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.
- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Quyền về tài sản
Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật.
- Quyền bí mật đời sống riêng tư
Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Căn cứ: Điều 12 đến Điều 21 Luật Trẻ em 2016
Nâng cao ý thức trong việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em
Mặc dù trẻ em đã được quy định các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật, tuy nhiên thực tế trẻ em vẫn chưa được coi trọng về quyền lợi và bảo vệ đúng đắn ngay cả ở trong chính gia đình mình. Vậy cần phải làm gì để đảm bảo quyền trẻ em.
- Đối với các hành vi xâm hại đến thân thể, quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em cần phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
- Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ để có biện pháp hoàn thiện, đổi mới, nâng cao các chính sách bảo vệ trẻ em.
- Thông qua các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng đưa ra các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ trẻ em.
- Cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục trẻ và có biện pháp ngăn chặn kịp thời giúp giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ trong trường học,…
- Gia đình cần quan tâm sát sao, bao bọc, yêu thương và trở thành tấm gương sáng để trẻ noi theo. Gia đình cần trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ.
- Khuyến khích trẻ được vui chơi, hoạt động giải trí, văn hóa văn nghệ một cách lành mạnh.
- Có những biện pháp riêng và can thiệp kịp thời đối với những trẻ bị tổn thương về tâm lý và tổn hại về sức khỏe.
Qua những thông tin về 10 quyền cơ bản của trẻ em, mong rằng mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội cần có ý thức nâng cao tinh thần bảo vệ trẻ hơn nữa để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện nhất, tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
? Kết nối với GiupViecTot.vn
?Website: https://giupviectot.vn/
?Địa chỉ: Số 7, Ngõ 1 Nhân Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
?Hotline: 0397 898 670
?Email: laudonnhahn@gmail.com
?Facebook: https://www.facebook.com/giupviectothanoi/
?Twitter: https://twitter.com/giupviectotvn
?Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC4DQgLULiU3Zot_50fMFjhQ?view_as=subscriber